Cách dùng sả làm thuốc
Nồi nước xông cảm cúm, sốt, nhức đầu: lá sả 50g, lá chanh 50g, cúc tần 50g, lá bưởi 50g, hương nhu 50g... Nấu nước xông.
Nước gội đầu: lá sả 50g, mần trầu 50g, bồ kết 10 quả. Nấu nước gội đầu, làm trơn tóc sạch gàu, phòng tránh bệnh về tóc và da đầu.
Rễ sả, củ gấu, vỏ rụt, vỏ quýt, hậu phác mỗi vị 6 - 12g. Sắc uống trong ngày trị tiêu chảy
Rễ sả 30 - 50g, giã nát xát lên vết chàm trẻ em.
Tinh dầu sả 3 - 6 giọt. Nhỏ vào cốc nước cho uống, chữa đầy bụng, đau bụng.
Một số món ăn được chế biến từ cây sả !
Nghêu hấp sả
Nghêu hấp sả là món ăn khá phổ biến và được nhiều người yêu thích. Phương pháp chế biến món ăn này rất đơn giản, tuy nhiên để giữ được độ ngọt, dai, hương vị tươi mát và giá trị dinh dưỡng từ thịt nghêu.
Nguyên liệu:
- Nghêu: 1kg
- Gừng: 2 nhánh
- Sả: 10 cây
- Tỏi: 1 củ
- Ớt chuông: 100 gram
- Ớt: 4-5 trái
- Chanh: 2 quả
- 1 ít rau răm
- Các gia vị thông dụng: nước mắm, đường, hạt nêm.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu:
- Nghêu sau khi mua về, bạn đem rửa thật sạch và ngâm với nước vo gạo có thêm vài lát ớt khoảng 1 – 2 tiếng cho nghêu nhả hết bùn đất ra ngoài.
- Sả rửa sạch, bỏ bớt phần lá già, cắt sả thành từng khúc dài khoảng 3 – 4cm rồi đập dập.
- Ớt ½ băm nhỏ, ½ cắt lát. Ớt chuông rửa sạch, cắt thành những sợi mỏng.
- Gừng cạo vỏ, rửa sạch, 2/3 cắt lát mỏng, 1/3 băm nhỏ làm nước chấm.
- Tỏi bóc vỏ và băm nhỏ.
- Rau răm nhặt gốc, rửa sạch, để ráo.
Bước 2: Cách làm nước mắm chấm nghêu hấp sả:
- Bạn lấy một cái chén nhỏ, pha nước chấm nghêu theo công thức: 2 muỗng canh nước mắm ngon, 2 muỗng đường, 1/2 muỗng ớt băm, 1/3 muỗng tỏi băm, bột ngọt, nước cốt chanh, gừng băm nhuyễn và khuấy đều. Bạn có thể thay đổi lượng gia vị pha nước chấm cho phù hợp với khẩu vị của mình.
Bước 3: Hấp nghêu:
- Xếp sả đập dập, gừng cắt mỏng vào một cái nồi có kích thước vừa phải. Sau đó xếp nghêu vào nồi, rắc thêm ớt chuông cắt sợi mỏng lên trên bề mặt. Tiếp theo, cho vào nồi một ít nước lọc, nước mắm ngon, dầu ăn, bột ngọt, đường, ớt cắt lát vừa với khẩu vị.
- Bắc nồi nghêu lên bếp nấu. Khi thấy nước sôi, bạn dùng đũa đảo đều để nghêu thấm gia vị.
- Hấp tới khi nghêu chín tới, mở miệng thì tắt bếp, bắc ra ngoài.
Bước 4: Trình bày và thưởng thức:
- Múc nghêu ra ngoài ăn nóng cùng nước mắm pha ở bước 2 và một đĩa rau răm nhỏ.
Ếch xào sả ớt
Nguyên liệu nấu ếch xào sả ớt:
- Thịt ếch: 500g
- Sả: 3 cây
- Ớt tươi: 2 – 3 trái (tùy muốn ăn cay ít hay nhiều)
- Tỏi: 2 nhánh
- Hành tím: 2 củ
- Gia vị: nước mắm, muối, đường, bột ngọt, tiêu, dầu ăn
Các bước thực hiện:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Ếch mua về lột da, bỏ gân và nội tạng rồi cắt ếch thành miếng vừa ăn. Đem rửa sạch thịt ếch vừa cắt rồi để ráo nước và cho vào tô.
- Sả bóc lớp vỏ ngoài, rửa sạch rồi băm nhỏ cùng với ớt tươi.
- Hành, tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.
Bước 2: Ướp thịt ếch
- Thịt ếch sau khi sơ chế đem ướp với 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê tiêu xay, 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng hành, tỏi, ớt băm nhỏ và 1 muỗng nước màu. Trộn đều tất cả rồi để khoảng 30 – 45 phút cho ếch ngấm gia vị.
Bước 3: Tiến hành làm ếch xào sả ớt
- Bắc chảo lên bếp, chảo nóng rồi cho 1 muỗng dầu ăn vào, tráng đều mặt chảo. Kế đến, cho hành tím, tỏi, sả và ớt vào phi thơm. Sau đó, cho thịt ếch đã ướp gia vị vào xào cùng.
- Do thịt ếch rất nhanh chín nên bạn phải đảo liên tục và đều tay. Khi thấy ếch hơi săn lại, bạn cho nước lọc vào xăm xắp bề mặt rồi xào ếch với lửa lớn.
- Đun đến khi thấy nước trong chảo sôi, bạn hạ lửa nhỏ. Nêm thêm 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê đường, 1/2 muỗng cà phê muối , 1 muỗng cà phê nước mắm vào, đảo đều tay. Khi nước bắt đầu cạn và thịt ếch áo một màu vàng đẹp mắt thì tắt bếp.
Bước 4: Trình bày và thưởng thức
- Cho ếch xào sả ớt ra đĩa, thêm một chút xíu tiêu xay lên trên. Dùng nóng với cơm trắng rất ngon miệng. Thịt ếch dai ngọt đậm đà, thơm phức mùi sả, có chút cay của ớt khiến món ăn trở nên hấp dẫn không cưỡng lại được.
Chân gà sả tắc
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Chân gà: 20 cái. Bạn nên chọn loại chân gà công nghiệp hoặc giống gà có chân to, nhiều thịt. Không nên chọn chân gà ta để làm vì loại gà này chân rất nhỏ, dai và không có thịt.
- Gừng: 2 củ. Để cho thơm, bạn nên chọn loại gừng ta. Tuy gừng này hơi nhỏ nhưng hương vị lại thơm và tốt hơn gừng lai to.
- Sả: 15 cây.
- Tắc xanh (Quất): 20 quả.
- Ớt: 8 – 10 quả.
- Rượu trắng: 3 chén uống rượu nhỏ.
- Nước mắm: 6 thìa canh.
- Muối: 1 thìa nhỏ.
- Đường trắng: 6 thìa nhỏ.
- Giấm gạo: 6 thìa nhỏ.
- Hạt tiêu xay nhuyễn/hạt thô: 1 thìa nhỏ.
- Bình thủy tinh: 1 hũ to.
Các bước:
Bước 1: Xử lí sơ bộ chân gà
- Rửa sạch chân gà đã mua. Lột bỏ lớp da ngoài màu vàng cũng như tất cả các móng trên các ngón chân gà. Dùng dao cắt bỏ phần tật ở chân gà nếu có. Rửa kĩ lại với nước sạch có pha chút muối.
- Đổ chân gà ra một thau nhỏ. Cho 3 chén rượu trắng cùng vài lát gừng đập nát vào, trộn đều với chân gà và ngâm trong vòng 5 phút. Rượu và gừng sẽ có tác dụng khử mùi cho món chân gà, loại bỏ các mùi tanh, hôi.
- Sau khi ngâm đủ thời gian, mang chân gà ra rửa sạch lại lần nữa với nước. Chặt đôi phần bàn chân và cẳng chân của gà ra để dễ ngâm và các gia vị sau này ngấm đều hơn.
Bước 2: Xử lí các loại gia vị ngâm
- Các loại gia vị có ý nghĩ rất quan trọng trong cách làm chân gà sả tắc. Bởi chỉ cần thiếu một gia vị là món chân gà của bạn sẽ thiếu đi một phần linh hồn. Do đó, không được bỏ qua sự hiện diện của các loại gia vị này các bạn nhé!
- Trong thời gian ngâm chân gà với rượu và gừng, chúng ta tranh thủ xử lí các loại gia vị còn lại.
- Sả: Loại bỏ phần vỏ già bên ngoài củ sả, rửa sạch. Đập dập 3 củ sả và thái thành từng khúc. Mỗi khúc khoảng 2 – 3 cm. Số sả còn lại thái khoanh mỏng. Để cho đẹp hãy nghiêng củ sả và thái thành từng lát chéo mỏng.
- Gừng, ớt, tỏi: Rửa sạch. Bạn có thể đập dập, thái lát hoặc để nguyên các loại gia vị này. Tuy nhiên, để cho phần nước ngâm thêm đậm đà và nhanh thấm vào chân gà, hãy đập dập hoặc thái lát mỏng chúng sau khi rửa sạch.
- Quả tắc (quất): Rửa sạch, loại bỏ cuống và cắt đôi mỗi quả quất. Nếu được bạn có thể loại bỏ phần hạt trồi ra ở mỗi nửa.
Bước 3: Luộc chân gà trước
- Cho vài nhánh gừng đập dập hoặc thái lát cùng vái nhánh sả đập dập và một nồi nước. Đun sôi, sau đó cho chân gà vào luộc trong khoảng 5 phút.
- Lưu ý với mỗi cách làm chân gà sả tắc bằng các loại chân gà có thể có thời gian luộc khác nhau. Gà công nghiệp thịt mềm sẽ có thời gian luộc ít hơn. Còn gà ta lai hoặc các loại gà không phải gà công nghiệp thì có thể đun lâu hơn một chút. Hãy kiểm tra độ chín của chân gà trước khi tắt bếp.
- Sau khi tắt bếp, lập tức vớt chân gà ra một thau nước đá to. Bỏ thêm một chút muối trắng vào ngâm cùng để chân gà giữ màu. Ngâm trong khoảng 10 đến 15 phút.
- Vớt chân gà ra rổ cho ráo nước. Sau đó, cho vào bát to, bọc lại bằng màng thực phẩm và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Thời gian là khoảng 30 phút. Khâu này giúp cho chân gà có độ giòn sần sật nhất định và không bị khô sau khi luộc.
Bước 4: Pha nước ngâm chân gà ngâm
- Một khâu vô cùng quan trọng khác trong cách làm món chân gà sả tắc chính là khâu pha nước ngâm. Để có được âu nước ngâm chân gà đúng chuẩn hương vị, bạn cần tuân thủ chính xác tỉ lệ của các loại gia vị. Các bước pha nước ngâm như sau:
- Trước tiên, đun sôi 1 lít nước lọc. Sau đó pha gia vị với tỉ lệ như sau: 6 thìa đường/6 thìa nước mắm/6 thìa giấm gạo/ 1 thìa muối trắng. Dùng đũa khuấy đều để các gia vị tan hết.Tiếp tục đun sôi trong 1 hoặc 2 phút nữa, như vậy nước sẽ trong hơn. Tắt bếp và để nguội bớt phần nước vừa đun.
- Khi nước trong nồi chỉ còn nhiệt độ khoảng 60 – 70 độ C, cho thêm sả, tỏi, gừng, ớt đã chuẩn bị vào và khuấy đều.
Bước 5: Ngâm chân gà
- Khi nước nguội hẳn thì chân gà để trong tủ lạnh cũng đã đủ 30 phút. Lấy chân gà ra cho vào nước ngâm. Trong quá trình cho chân gà vào, cho cả phần quất đã cắt đôi vào cùng và trộn đều. Cho thêm tiêu bắc vào.
- Sau đó, xếp chân gà vào hũ thủy tinh. Khi xếp chân gà nên xếp đều chân gà, quất và các gia vị to như gừng. Sau đó đổ toàn bộ phần nước ngâm vào bình.
- Để cẩn thận hơn, tránh chân gà bị nổi lên trên phần nước ngâm, bạn có thể dùng một chiếc vỉ nén chân gà xuống.
Bước 6: Hoàn thành và bảo quản chân gà sả tắc
- Với cách làm chân gà sả tắc cơ bản như trên, bạn có thể sử dụng ngay hũ chân gà vừa ngâm. Tuy nhiên, để chân gà ngấm gia vị đều bạn nên để qua đêm rồi hãy dùng. Thông thường chân gà ngâm sau khoảng 8 tiếng là đã ngấm đủ hương vị và dậy mùi.
- Lưu ý là nên bảo quản hũ chân gà vừa ngâm trong tủ mát. Như vậy, bạn có thể kéo dài thời gian sử dụng lên 4 đến 5 ngày.
Có thể bạn quan tâm: Xem thêm: vé xe khách hà nội hà giang, xe vĩnh thiện, xe quang nghị, xe bằng phấn, xe đăng quang, xe quang đạo
Ốc móng tay xào sả ớt
Nguyên liệu:
- Ốc móng tay: 500 gram
- Rau răm, tỏi, sả, ớt
- 2 thìa dầu ăn, 1 thìa nước mắm, 1 thìa đường, ½ thìa muối, tiêu xay
Bước 1: Làm sạch ốc móng tay
- Ốc móng tay mua về ngâm trong nước sạch và vài lát ớt để óc nhả hết chất bẩn. Sau đó rửa ốc với nước muối loãng. Cuối cùng rửa lại với nước sạch và để ráo.
- Tỏi, sả, ớt băm nhỏ. Rau răm nhặt, rửa sạch để ráo nước.
Bước 2: Xào ốc móng tay
- Làm nóng chảo, cho 2 thìa dầu ăn vào, cho tỏi băm, sả băm vào phi thơm rồi đổ óc móng tay vào xào với lửa lớn. Đảo thật đều tay.
- Cho 1 thìa nước mắm, 1 thìa đường, ½ thìa muối vào đảo đều cho đến khi ốc chín, các con ốc nở bung ra, nêm thử vừa ăn là được.
Bước 3: Hoàn thành
- Ốc móng tay chín, cho rau răm, tiêu, ớt băm vào đảo đều rồi tắt bếp, múc ra đĩa.
- Ốc móng tay xào sả ớt thơm ngon, thịt ốc giòn, ngọt, vị cay nhẹ và thơm của sả, rau răm. Nên ăn ốc khi còn nóng để có được vị ngon nhất của món ăn.
CHÚC CÁC BẠN CÓ 1 MÓN ĂN NGON VÀ DINH DƯỠNG CHO GIA ĐÌNH !